PGS-TS NGUYỄN THỊ HIỆP: TRỞ VỀ ĐỂ DẤN THÂN
Với nhiều đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh, PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp đã được Tạp chí ASEAN Scientist bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019.
Trở lại Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP HCM gặp PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, tôi mang theo niềm xúc động muốn chia sẻ. Năm 2009, cũng tại đây, tôi đã gặp và viết về GS Võ Văn Tới, người được một ĐH Mỹ vinh danh là “GS giỏi nhất” nhưng quyết định trở về để thành lập Bộ môn Kỹ thuật y sinh. Sau 10 năm, tôi lại có cơ duyên gặp PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, người đang nối tiếp con đường của GS Võ Văn Tới trong lĩnh vực này.
Đặt nền móng
Nữ PGS-TS sinh năm 1981 đằm thắm, giản dị trong chiếc áo dài màu hồng đỏ, dường như bồi hồi khi nghe tôi nhắc đến GS Võ Văn Tới. TS Hiệp kể năm 2012, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc về y học tái tạo, chị rất băn khoăn có nên về nước hay không vì lúc đó, kỹ thuật y sinh còn là lĩnh vực rất mới mẻ tại Việt Nam.
Search từ “kỹ thuật y sinh” thì hiện tên GS Võ Văn Tới – người đang đặt nền móng ở Việt Nam với việc thành lập bộ môn này tại Trường ĐH Quốc tế, TS Hiệp bắt đầu thấy bị thuyết phục. Trong lần về nước thăm gia đình, chị đã tìm gặp GS Tới và mục sở thị những gì đang có về Bộ môn Kỹ thuật y sinh.
Thật khác xa những gì nữ tiến sĩ đã thấy ở nước ngoài, lúc đó Bộ môn Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế chỉ có một phòng thí nghiệm và một văn phòng. Phòng thí nghiệm ở đây chủ yếu là các thiết bị điện, điện tử; trong khi ở Hàn Quốc là tế bào, hóa sinh, nano… Thiết bị đang có ở đây quả thật quá nghèo nàn.
“Lúc đó, tôi thực sự lo lắng cho sự trở về, liệu sẽ làm gì được khi nền tảng chỉ có vậy? Nhưng sau khi lắng nghe tôi, GS Võ Văn Tới nói rằng việc chưa ai làm, những gì trong nước chưa có thì mới cần những người như tôi dấn thân trở về. Nếu chúng tôi không làm thì ai sẽ làm, lấy gì để lại cho thế hệ sau?” – chị nhớ lại.
Sau đó, GS Tới đã viết hàng chục email động viên, khích lệ TS Hiệp. Sự nhiệt tâm ấy chính là động lực để chị quyết định về nước đầu quân vào Trường ĐH Quốc tế. Đây cũng là sự trở về đầy chông gai, thử thách và có lúc phải độc hành.
Săn giải thưởng
Thời gian đầu trở về, TS Hiệp thấy khá chơi vơi. Không có tiền nghiên cứu thực sự là rào cản, ngăn bước chân đang rất muốn tiến tới của chị. Mọi thứ là con số 0, đặc biệt trong lĩnh vực y học tái tạo.
Mỗi chiều về nhà, TS Hiệp lại nhìn chiếc máy microwave trong bếp. Cái khó ló cái khôn, từ dụng cụ sẵn có trong bếp, chị nảy sinh ý tưởng rồi bắt tay nghiên cứu, sáng chế.
“Nhiều người khi về nước mong mỏi cơ sở vật chất phải như nước ngoài nhưng với tôi, đồ nấu cơm cũng có thể trở thành vật dụng nghiên cứu. Cứ quyết tâm cao sẽ làm được mà không cần phải đúng chuẩn, đúng kiểu” – chị nhìn nhận.
TS Hiệp đã đến các bệnh viện tại TP HCM để trao đổi, tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc thực hiện ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ nhà bếp ấy. Đó là sáng chế một loại keo kháng khuẩn giúp làm lành vết thương, nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị… Ý tưởng rõ ràng là hay và hữu ích nhưng ai dám đầu tư khi chị mới chân ướt chân ráo trở về, liệu có thành công? Lúc này, chính GS Võ Văn Tới đứng ra làm hồ sơ vay vốn để hỗ trợ chị. “Thầy đã đặt niềm tin vào tôi. Với một người lạ mà thầy dám vay đến 1 tỉ đồng!” – PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp xúc động.
Sau đó là những tháng ngày miệt mài nghiên cứu và săn giải thưởng. Theo TS Hiệp, các giải thưởng sẽ khẳng định được uy tín, vị thế khoa học của cá nhân và cả bộ môn, giúp dễ xoay xở hơn trong việc xin tài trợ nghiên cứu và đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tế khám chữa bệnh.
Những nỗ lực của nhà khoa học trẻ đã được đền đáp. Năm 2016, TS Hiệp được UNESCO trao công bố sáng chế đề tài cải thiện tụt nướu răng bằng sợi collagen và điện hóa học. Năm 2017, chị đoạt giải nhất Giải thưởng ASEAN – Mỹ về giải pháp giảm áp lực y tế nặng nề lên các thành phố lớn. Năm 2018, chị công bố sáng chế về loại keo kháng khuẩn giúp cầm máu, diệt khuẩn và tạm chữa lành vết thương, được L’Oréal – UNESCO trao giải thưởng tài năng trẻ thế giới về giải pháp sơ cứu cho người sống xa bệnh viện.
2019 là năm gặt hái những thành công ngọt ngào khi TS Hiệp đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo của TP HCM về loại keo kháng khuẩn được phát triển thêm. Khi Bộ môn Kỹ thuật y sinh được nâng lên thành Khoa Kỹ thuật y sinh, chị được bổ nhiệm vị trí trưởng khoa. Đến tháng 11-2019, chị được phong phó giáo sư…
Với những đóng góp xuất sắc trên của PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp, Tạp chí ASEAN Scientist đã bình chọn chị là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019.
Độc hành và đam mê
Nói về những giải thưởng liên tục đạt được những năm qua, PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp không giấu niềm tự hào. Chị đặc biệt hạnh phúc khi nghe con mình nói “con ngưỡng mộ mẹ”. Chị cũng cảm thấy vinh dự khi đại diện trường, đại diện quốc gia tham dự các hội thảo quốc tế và truyền cảm hứng nghiên cứu cho giới trẻ.
Đến nay, TS Hiệp đã có tổng cộng 107 công trình khoa học. Trong các nghiên cứu, chị dồn nhiều tâm huyết cho loại keo kháng khuẩn – được xem là giải pháp sơ cứu hữu hiệu cho người sống xa bệnh viện. “Ở nước ngoài, giá thành sản phẩm tương tự khoảng 500.000 đồng nhưng qua tính toán, sản phẩm của chúng tôi chỉ vài chục ngàn. Trăn trở của tôi là làm thế nào để sản phẩm này sớm được sử dụng” – chị bày tỏ.
TS Hiệp cũng không giấu dự định lớn lao mà chị và các cộng sự đang theo đuổi. Đó là một loại keo vạn năng, có thể tái tạo tế bào nuôi cấy tim, gan, thận…
Theo TS Hiệp, những năm tháng khó khăn nhất đã qua, bây giờ phải làm sao truyền sự đam mê và thuyết phục giới trẻ tham gia nghiên cứu. “Lương ba cọc ba đồng, phải làm sao kết hợp nghiên cứu với công nghệ 4.0 thì mới thuyết phục được các em, còn cứ mày mò thủ công thì rất dễ nản chí” – nữ trưởng khoa băn khoăn.
TS Hiệp cũng tỏ ra trăn trở khi nhắc đến cuộc sống thường ngày. “Một thời gian dài tôi không hề shopping, dù là phụ nữ mà phải nén lại nhu cầu thông thường ấy. Tôi nhận ra mình mê nghiên cứu hơn là shopping” – chị thừa nhận.
Cùng với nỗi lo giới trẻ không tha thiết với nghiên cứu là cảm giác đơn độc mà một “leadership” thường xuyên đối mặt. Nhưng sự đơn độc – theo TS Hiệp – đôi khi lại là yếu tố may mắn do trời phú. “Đơn độc để đi lên phía trước, đeo đuổi đam mê và đưa ra các kế hoạch để bắt kịp thời đại, từ đó giúp cả nhóm vận hành” – chị tâm niệm.
Và cuối cùng, với vai trò tiếp bước người thầy tận tụy là GS Võ Văn Tới, TS Hiệp không thể dừng lại. “Sự bảo vệ, chở che và tin tưởng của thầy đã khiến tôi thấy mình phải làm hết sức cho kỹ thuật y sinh” – chị bày tỏ tâm huyết.
Người tiếp lửa xuất sắc
Đến nay, sau 10 năm, Khoa Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế đã có 12 phòng thí nghiệm, 14 giảng viên là tiến sĩ đều từ nước ngoài về và 385 sinh viên. Chương trình đào tạo của khoa đạt chuẩn ABET (Mỹ) và AUN (Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á)… Sự trưởng thành của Khoa Kỹ thuật y sinh cũng chính là sự lớn mạnh của ngành kỹ thuật y sinh nam, với sự đóng góp không nhỏ của GS Võ Văn Tới và người tiếp lửa xuất sắc – PGS-TS Nguyễn Thị Hiệp. |
Theo báo Người Lao Động
//nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/pgs-ts-nguyen-thi-hiep-tro-ve-de-dan-than-20200119205301635.htm