PGS.TS HUỲNH KIM LÂM: “TÔI MUỐN LÀ TIA NẮNG TƯƠI ĐẸP, SOI RỌI CHO HỌC TRÒ CỦA MÌNH”
Là tác giả, đồng tác giả của hơn 100 bài báo ISI, PGS.TS Huỳnh Kim Lâm – Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) có một hành trình học tập, nghiên cứu khoa học đầy ấn tượng. Bên cạnh việc hợp tác nghiên cứu với các cộng sự trong nước, ông đã triển khai nhiều dự án với các cộng sự ở nước ngoài.
Ông và các cộng sự cũng đang nghiên cứu phát triển phần mềm khoa học trên nền tảng điện toán hiệu năng cao (HPC), góp phần quan trọng trong việc chủ động hơn trong các nghiên cứu khác nhau, tiến tới việc xây dựng trường phái nghiên cứu “Make in Vietnam” về hướng đi này.
PGS.TS Huỳnh Kim Lâm chia sẻ ông may mắn có những người dẫn đường tuyệt vời đã truyền lửa đam mê và tình yêu hóa học.
Yêu thích và học tốt các môn học tự nhiên
Xin chào PGS.TS Huỳnh Kim Lâm. Xuất phát từ đâu mà anh chọn trở thành một Kỹ sư Kỹ thuật Hóa học?
PGS.TS Huỳnh Kim Lâm: Nhớ lại lý do năm lớp 12, giữa rất nhiều ngành nghề, tôi – một học sinh của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) – quyết định theo đuổi ngành Hóa học và trở thành một Kỹ sư Kỹ thuật Hóa học. Một trong những nguyên nhân là thời học sinh tôi rất yêu thích và cũng học tốt các môn học tự nhiên, đặc biệt là Hóa học. Không chỉ như vậy, tôi còn có những người dẫn đường tuyệt vời đã truyền cho tôi nguồn cảm hứng, niềm đam mê và tình yêu khoa học. Trước hết phải kể Mẹ tôi là giáo viên dạy môn Vật lý và các thầy cô giáo dạy học tôi trong suốt 3 năm tại ngôi trường Lê Hồng Phong thân yêu.
Tôi còn nhớ vào thời điểm năm 1995, Hóa dầu cũng là một trong những ngành nghề rất “hot” có nhu cầu việc làm cao, nhiều cơ hội nghề nghiệp trong nước và nước ngoài với mức lương rất hấp dẫn. Từ đó tôi đã đi đến quyết định chọn và trở thành Kỹ sư ngành hóa dầu để thỏa chí đam mê. Tuy nhiên, thực tế hôm nay tôi đã trở thành một Giảng viên ngành Kỹ thuật hóa học ở Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) thì là một câu chuyện khác nữa.
PGS.TS. Huỳnh Kim Lâm phát biểu tại một Hội thảo khoa học.
Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?
Tôi xin được chia sẻ câu nói của diễn giả Hellen Keller mà tôi rất yêu thích, tạm dịch như sau: “Hãy hướng về những tia nắng tươi đẹp, bạn sẽ không nhìn thấy bóng tối”.
Tôi đã rất may mắn khi đón được những tia nắng tươi đẹp ấy từ chính gia đình của mình, từ Ba Mẹ, từ những người thầy, người cô, người bạn và cả những học trò mà tôi may mắn được gặp … trong cuộc đời. Tất cả đã tận tình chỉ bảo, chia sẻ những kiến thức, cung cách ứng xử, và cả những động viên quý giá khi tôi gặp trở ngại từ nhỏ đến tận bây giờ. Tất cả đã truyền sự nhiệt huyết, đam mê cho tôi để trên hành trình của mình, tôi vững tin đương đầu với những thử thách, khó khăn, trở ngại mà tôi đối mặt.
Chính vì vậy, sau này tôi luôn phấn đấu để trở thành những tia nắng đó. Tôi cố gắng trở thành một người thầy, người anh đi trước, chia sẻ những ánh nắng mà tôi đã góp nhặt được với các bạn trẻ đi sau mình. Tôi cố gắng gửi đến các bạn không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn là kinh nghiệm và quan điểm sống đúng đắn, và tôi cũng muốn truyền lửa và lòng đam mê trong học tập và nghiên cứu khoa học… đến các thế hệ đàn em.
Thành tựu nghề nghiệp là niềm vui
Chắc là ông có nhiều vui buồn với lĩnh vực Hóa học?
Tôi luôn tâm niệm niềm vui luôn có trong công việc, trong các hoạt động thường ngày nếu mình sống tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Những việc chưa hài lòng sẽ giúp mình nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn khác để từ đó có thái độ sống và làm việc có hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Ông có thể chia sẻ thêm về những thành tựu mà bản thân đã đạt được trong hành trình nghề nghiệp của mình?
Với tôi, thành tựu trong hành trình gần 30 năm qua chính là việc mình đã cùng đồng nghiệp tại trường Đại học chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và quan điểm sống, cũng như lòng đam mê trong học tập và nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ. Tất cả những thành công, tin vui của các bạn học trò và các bạn trẻ được tôi hỗ trợ hướng dẫn (mentor) nhận giải thưởng, nhận học bổng, tốt nghiệp… đều là việc làm vô cùng có ý nghĩa của cuộc đời tôi. Chính đây là nguồn động lực lớn, tiếp thêm cho tôi niềm tin và năng lượng để tiếp tục đi trên con đường mà tôi đã chọn. Tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi được như vậy.
Tôi cũng xin chia sẻ thêm một chút về hướng nghiên cứu chuyên sâu của mình. Tôi chọn hướng nghiên cứu về mô hình hóa, tính toán mô phỏng đa quy mô liên ngành vì sự tò mò, vì sự yêu thích khoa học và qua đó hiểu và khám phá được bản thân cũng như khả năng của mình. Với hướng nghiên cứu này, tôi và các đồng nghiệp đã giúp tìm kiếm được nhiều giải pháp cho các bài toán thực tế phức tạp. Một trong những mảng nghiên cứu chính là tối ưu hóa các quá trình đốt cháy nhiên liệu để (i) nâng cao hiệu suất và giảm khí thải cũng như việc (ii) đánh giá và tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế và tái tạo (bao gồm nhiên liệu sinh học). Chúng tôi còn đánh giá và dự đoán tác động môi trường của các hợp chất hóa học, góp phần đưa ra những giải pháp kỹ thuật cũng như góp phần cho việc ra các quyết định quản lý liên quan đến các hợp chất hóa học này. Bên cạnh đó, một hướng nghiên cứu mới của chúng tôi hiện nay là tìm kiếm và thiết kế các vật liệu tiên tiến phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như làm chất xúc tác cho các chuyển hóa hóa học, các hợp chất tự nhiên cho việc phát triển thuốc và các ứng dụng khác như mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
PGS.TS. Huỳnh Kim Lâm đã đạt một số giải thưởng về nghiên cứu khoa học thường niên trong nhiều năm bao gồm: Giải thưởng Khoa học xuất sắc ĐHQG-HCM, Giải thưởng Khoa học ĐHQG-HCM, và Giải thưởng Khoa học VEFFA. Ngoài ra, ông còn là thành viên Hội đồng khoa học ngành Hóa học, Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) (2017-2019, 2020-2022, 2023-2025), Hội đồng liên ngành Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM (2017-2022) và Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP.HCM (2014-2018). PGS.TS. Huỳnh Kim Lâm với các bạn Labtech và TAs cho lớp thí nghiệm Hóa đại cương. |
Tập luyện thể thao để có phiên bản tốt hơn
Con đường anh đi hiện tại so với lúc chọn ngành học ĐH có thay đổi gì không?
Cuộc sống là động nên bản thân mình cũng phải luôn động, con đường mình đi dẫu cần thay đổi nhưng mục đích sống thì phải luôn cố định, đó là hạnh phúc.
Tôi vẫn luôn khám phá bản thân mình, luôn cải thiện, thay đổi bản thân theo hướng tích cực, luôn cố gắng tìm kiếm năng lượng và động lực để tiến lên phía trước. Khi cảm thấy mệt mỏi thì nghỉ ngơi, khi khỏe và có đủ năng lượng thì tiếp tục đi.
Để có phiên bản tốt hơn, ông đã làm gì?
Để có được phiên bản tốt hơn của mình, theo tôi là nên có những thói quen tốt. Tuy nhiên, để có những thói quen tốt thì thật sự không phải là điều đơn giản. Bản thân tôi có một mẹo lượm nhặt được rất hay: chỉ cần có những thói quen chủ chốt (keystone habit). Những thói quen chủ chốt là những thói quen cơ bản, dễ thực hiện mà khi ta có thói quen này thì sẽ dẫn đến những thói quen tốt khác. Một trong những thói quen chủ chốt của tôi đó là tập luyện thể thao. Ví dụ nếu bạn thuộc dạng người “cú đêm” mà nếu bạn muốn có thói quen đi ngủ sớm cực kỳ khó. Tuy nhiên nếu bạn tạo cho mình một thói quen chủ chốt là tập thể thao vào buổi sáng sớm thì rất có thể bạn buộc phải đi ngủ sớm vào đêm hôm trước.
Do đó theo tôi thì các bạn cần tạo lập cho mình thói quen tập luyện thể thao. Tôi tin đây là một lối sống tích cực, vừa duy trì sức khoẻ vừa giảm bớt căng thẳng, tái tạo năng lượng trong cuộc sống cũng như trong nghiên cứu khoa học, vừa tạo động lực nền tảng cho những thói quen tốt khác xuất hiện. Mục đích sống của tôi là hạnh phúc và tôi vẫn đang học và chia sẻ mọi thứ để luôn được hạnh phúc trên con đường mình đã chọn.
PGS.TS. Huỳnh Kim Lâm tham gia giải chạy 75km.
Nên chọn ngành nghề theo sở thích, năng lực
Ông nghĩ gì về việc chọn ngành chọn nghề của các học sinh lớp 12 hiện nay?
Thật ra, chắc không ai phản đối rằng, hiện nay, việc quá nhiều thông tin cũng là một thách thức rất lớn trong việc chọn ngành nghề phù hợp với các bạn học sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, thị trường lao động luôn thay đổi hay nói cách khác là thay đổi rất nhanh với tốc độ rất khác so với thời của tôi học phổ thông. Những lựa chọn khuynh hướng hôm nay có còn “hot” trong vài năm nữa khi các bạn sinh viên ra trường?
Chính vì vậy, bằng chính hiểu biết của mình, tôi nghĩ khi các bạn trẻ chọn ngành nghề thì cần lưu ý các điểm chính sau:
- Đam mê và sở thích của bản thân: nếu bạn chọn được ngành nghề mà bạn thực sự yêu thích và đam mê thì chắc chắn sẽ giúp bạn duy trì động lực và hứng thú trong suốt quá trình học tập và làm việc nhiều năm về sau.
- Năng lực: ngành nghề đó bạn đủ năng lực để theo học hay không?
- Kỹ năng: rèn luyện để mình không chỉ có chuyên môn mà còn phải có kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…
- Chi phí và thời gian học tập cho ngành nghề đó, ngôi trường đó có phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình mình?
- Xu hướng nghề nghiệp tương lai, cơ hội việc làm (sau khi tốt nghiệp) sẽ thay đổi như thế nào cũng là điều bạn cần quan tâm khi xem xét một ngành nghề nếu bạn chưa tìm ra nghề bạn thật sư say mê.
Vậy theo ông nên chọn ngành nghề theo sở thích, năng lực hay khuynh hướng hiện tại?
Theo tôi, bạn hãy chọn ngành nghề nên có sự giao thoa (overlap) giữa sở thích, đam mê và năng lực vì những yếu tố khác có sự bất định lớn hoặc/và dễ đạt được hơn nếu có sự hỗ trợ hợp lý và thời gian. Ngoài ra, nếu bạn làm một việc phù hợp với năng lực và có sự đam mê thì chắc chắn bạn sẽ thăng hoa trong công việc, sẽ trở thành chuyên gia mà chuyên gia thì luôn được chào đón ở bất cứ lành vực, ngành nghề nào.
Như vậy câu hỏi quan trọng lúc này đó là bạn đã hiểu về sở thích của mình và đã đánh giá đúng năng lực của mình chưa? Tôi nghĩ, đây là một câu hỏi rất lớn cho các bạn học sinh và sẽ không có câu trả lời “cứng nhắc” cho từng cá nhân mà phụ thuộc nhiều kinh nghiệm, thông tin (cần đánh giá) mà bạn có cũng như sự hỗ trợ ở các mặt khác nhau (chuyên môn, kiến thức và tài chính).
Bạn sẽ càng hiểu rõ bản thân mình, hiểu năng lực của mình hơn khi bạn có nhiều trải nghiệm. Đơn giản là bạn chỉ cần bước ra khỏi vùng an toàn, để bản thân mình trải nghiệm ở các môi trường khác nhau, chủ động tham gia vào các hoạt động có thể nếu được cho phép (về thời gian, về tài nguyên, …), … để định hình mình. Cá nhân của mỗi người là để tạo ra, không phải để tìm kiếm. Các bạn hãy chủ động bắt đầu việc này càng sớm càng tốt, không nên đợi đến đến năm lớp 12 mới nghĩ đến.
Vậy làm sao để học sinh lớp 12 có thể đánh giá chính xác về bản thân mình, thưa ông?
Tôi nghĩ, việc đánh giá thông tin về chính mình là không dễ dàng. Theo tôi, việc đánh giá này cần kiến thức, kinh nghiệm và cả sự hỗ trợ (ví dụ như một phần của sự hỗ trợ là trải nghiệm của người đi trước, tận dụng các công cụ mới như AI giúp thu thập và phân tích thông tin dễ dàng (nhưng cần có kiến thức để đánh giá thông tin)).
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày một trở nên mạnh mẽ, một số phát kiến mới đã tiến tới thay thế nhân lực trong một số ngành nghề nhất định. Tuy nhiên, thách thức đi liền với cơ hội, chúng cũng mở ra nhiều cơ hội mới. Chúng ta cần phải nhận thức đúng để chuẩn bị và thích nghi với những thay đổi này bằng cách nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình. Tôi nghĩ, AI chính là cơ hội để giúp chúng ta khẳng định mình nhanh, hiệu quả hơn so với môi trường và điều kiện trước đây.
Một điều quan trọng nữa tôi cũng muốn chia sẻ đó là sự hỗ trợ ở nhiều mặt khác nhau, về chuyên môn, về trải nghiệm sống, về tài chính…. Nhưng, với tôi, cách đơn giản và hiệu quả để tìm sự hỗ trợ là tìm cho mình những mentor (người hướng dẫn). Những người này đơn giản là những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về một mảng nào đó (người này không nhất thiết là phải nhiều tuổi hơn bạn) và sẵn sàng chia sẻ và góp ý cho bạn. Họ có thể là Ba Mẹ bạn với nhiều trải nghiệm về cuộc sống, họ có thể là Thầy, Cô đang giảng dạy bạn, họ có thể là những chuyên gia, người đi trước về một mảng, lĩnh vực nào đó. Họ có thể là những giảng viên ở trường đại học như tôi vẫn đang làm mentor cho sinh viên của tôi chẳng hạn.
Với những thông tin chính xác, nhiều nhất để hiểu về bản thân cũng như những hỗ trợ mà mình có được thì chắc chắn bạn sẽ đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất với chính mình. Đây là điểm khởi đầu để bạn vững tin để tạo ra con đường riêng đầy thú vị và nhiều màu sắc của mình sau này. Từ đó tìm ra nghề nghiệp phù hợp với mình để mình có thể thăng hoa, thưởng thức những thành công và thất bại trên con đường khám phá bản thân mình.
Xin cám ơn PGS.TS Huỳnh Kim Lâm.