NỮ TƯỚNG NGÀNH KỸ THUẬT Y SINH VỚI BỘ SƯU TẬP GIẢI THƯỞNG KHỦNG

NỮ TƯỚNG NGÀNH KỸ THUẬT Y SINH VỚI BỘ SƯU TẬP GIẢI THƯỞNG KHỦNG

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế (IU) – ĐHQG TP.HCM) gây sự chú ý khi từng được tạp chí Asian Scientist vinh danh là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019 do có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực Kỹ thuật y sinh.

Bà cũng là một trong những nhân vật đưa ngành Kỹ thuật Y sinh của Trường ĐH Quốc tế phát triển ngày càng mạnh mẽ với nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Nhà khoa học duyên với nhiều giải thưởng

Năm 2012, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp đã từ chối mức lương 3.000USD/tháng và điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Hàn Quốc để trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh tại IU, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo. Nói về lý do này, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp từng chia sẻ: “Khi ở Hàn Quốc, tôi cũng có những công bố khoa học và từng đăng ký 4 bằng sáng chế nhưng phải ghi địa chỉ là Korea… Những nghiên cứu đó cuối cùng cũng thuộc về nước họ, nên tôi không thấy có động lực nghiên cứu và muốn trở về làm khoa học trên quê hương mình”.

Trong sự nghiệp làm khoa học, giáo dục của mình, PGS Nguyễn Thị Hiệp sở hữu một loạt giải thưởng danh giá. Năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, PGS Nguyễn Thị Hiệp đã giành được Giải thưởng L’Oreal và được Hội đồng Giải thưởng Khoa học L’Oreal – UNESCO đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, tâm huyết với khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học. Năm 2017, nữ PGS xuất sắc đoạt giải Nhất Giải thưởng ASEAN- US về “Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh – mảng Sức khỏe cộng đồng”. Năm 2018, cô nhận được giải thưởng L’Oréal – UNESCO vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô. Công trình nghiên cứu này giúp cô đạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019.

Theo Forbes Việt Nam, PGS.TS. Hiệp là một trong những nhà nghiên cứu y học tái tạo đầu tiên của Việt Nam. Năm 2021, nữ phó giáo sư đã có hơn 170 công trình nghiên cứu khoa học, gần 80 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, hơn 70 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế cùng 4 bằng sáng chế.

Nói về con đường làm khoa học của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp từng chia sẻ: “Nghiên cứu là đam mê của tôi nên tôi thấy mình không đánh đổi gì cả. Trọn thanh xuân, tuổi trẻ của tôi là nghiên cứu, đọc sách và tìm ra đề tài nghiên cứu mới. Những người sẽ thấy rằng tôi sống một cuộc sống khô khan.Việc đọc tài liệu để hiểu vấn đề với tôi cũng thú vị như việc vào nhà hát để nghe một vở kịch. Để tìm hiểu một vấn đề trong Y học, tôi có thể đọc xuyên đêm mà không thấy mệt.

Trước đây, khi chưa có nhóm làm nghiên cứu cùng, tôi làm một mình và làm mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi cho con ăn vẫn đọc tài liệu để ra vấn đề nghiên cứu. Khi mình nấu cơm, không đọc được, tôi sẽ nghe. Tôi tận dụng toàn thời gian để hiểu vấn đề nghiên cứu…”.

Nói về PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, GS.TS Võ Văn Tới – nguyên Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh IU, chia sẻ: “Tôi nhận thấy ở Hiệp có tất cả đức tính đáng quý của một ‘người nhà quê’. Em cần cù, chịu khó, sống tình cảm, thật thà, ẩn sâu bên trong là ý chí độc lập, tính cách lạc quan và có nhiều ý tưởng vượt ngoài khung bình thường”. Nhiều người cho rằng nhờ những đức tính này mà nữ PGS đã vượt qua rất nhiều khó khăn khi mới về nước như bắt đầu phòng thí nghiệm với 3 không: không tài trợ, không dự án, không máy móc để đạt được nhiều thành quả mang tầm châu lục trong sự nghiệp khoa học của mình.

Link gốc xem tại đây: