BA MẢNH GHÉP KỸ THUẬT KHÔNG GIAN “KHÔNG HOÀN HẢO”
Gặp hai chàng trai và một cô gái của nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật Không gian Bộ môn Vật Lý của trường Đại học Quốc Tế (ĐHQG-HCM) trong một buổi sáng với những câu chuyện thú vị về việc học, thực hành, nghiên cứu một nghề tương đối mới tại Việt Nam: Vật lý thiên văn vũ trụ. Đó là Nguyễn Phúc Đạt (sinh viên năm Tư), Trương Lê Gia Bảo (sinh viên năm Ba), Nguyễn Thị Minh Trang (sinh viên năm Ba) vừa đạt huy chương Bạc cuộc thi Vật lý Quốc tế dành cho sinh viên (University Physics Competition) lần thứ 10.
Ba mảnh ghép Minh Trang – Gia Bảo – Phúc Đạt cùng nhận giải thưởng Huy chương Bạc cuộc thi Vật lý Quốc tế dành cho sinh viên lần thứ 10
Nguyễn Thị Minh Trang – Cô gái duy nhất của nhóm
Trang kể hồi học THPT, Trang có một thời gian học chuyên Anh của một trường chuyên nổi tiếng TP.HCM nhưng vì áp lực việc học quá nặng khiến cho Trang cảm thấy khó tiếp thu tốt nên đã xin ba mẹ chuyển sang học trường THPT Nguyễn Công Trứ. Trang nói, nhờ vậy, Trang cảm thấy việc học thoải mái hơn và tiếp cận được ngành học thú vị Kỹ thuật Không gian từ một người Thầy của mình. Trang thích Vật lý Viễn thám và được Thầy hướng theo ngành học đặc biệt này. Khi vào học Trang càng mê hơn vì sinh viên của ngành không nhiều nên cơ hội được thực hành, được làm việc nhóm cực nhiều. Bên cạnh đó, sinh viên của ngành còn được thầy cô của trường quan tâm, dạy rất kĩ, trao đổi mọi thứ đều dễ dàng. Trang cũng chính là cô gái đã rủ rê hai chàng trai còn lại lập nhóm cũng như kêu gọi các bạn sinh viên trong Bộ môn đăng kí tham gia cuộc thi Vật lý Quốc tế dành cho sinh viên năm 2019 này.
Nguyễn Thị Minh Trang – cô gái có nụ cười tươi sáng – thành viên nữ duy nhất của nhóm
Trương Lê Gia Bảo – Chàng trai ôm ấp hy vọng trong cuộc thi IAAC năm 2020
Chàng trai ôm ấp nhiều hy vọng cho cuộc thi IAAC 2020 Trương Lê Gia Bảo
Chàng sinh viên năm Ba và là cựu học sinh của trường THPT Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM) hào hứng kể về việc được học ở ngành học đào tạo đại học đầu tiên của Việt Nam: Kỹ thuật Không gian với đôi mắt sáng. Bảo nói rất may mắn khi tìm được ngành học thú vị này từ những ngày học lớp 12. Bảo rất thích những gì liên quan tới thiên văn, vũ trụ và đi tìm một trường dạy chuyên ngành này tại Việt Nam và trong một lần tìm hiểu Bảo biết đến IU – một môi trường dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, chất lượng cao, có tiếng thuộc ĐHQG-HCM – Bảo đã không ngần ngại đặt bút lựa chọn IU là nguyện vọng đầu tiên của mình. Bảo cũng hạnh phúc khi chia sẻ về chuyến thực tập đầu tiên của mình ở Đài Loan tại Viện Vật lý Thiên Văn Quốc Gia từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2019. “Ban đầu, mình nghĩ chỉ có 2 tháng thực tập ngắn ngủi tại môi trường đầy tính học thuật này, mình cần làm việc thật chăm chỉ, nghiêm túc nhất để tận dụng mọi phút giây được làm việc ở đây. Nhưng, thầy hướng dẫn của mình – một người có tâm – đã thoải mái nói với mình là cứ vô tư mà làm, làm theo cách mình thấy đúng, sai thì làm lại, cứ làm. Thầy hướng cho mình những cách làm việc mới và 2 tháng trôi qua với tâm lý nhẹ nhàng nhưng lại hiệu quả vô cùng. Minh rất biết ơn 2 tháng ngắn ngủi và giá trị đó.” Cũng chính vì vậy, khi Trang rủ tham gia kì thi này, mình cũng mang tâm trạng đó vào cuộc chơi nên khi nghe tin đạt giải Bạc, thuộc top 20% đội của thế giới, mình ngạc nhiên và phấn khích lắm. Từ cuộc thi 48 tiếng ngắn này đã giúp mình say mê nghiên cứu khoa học hơn cũng như sẵn sàng thử thách bản thân mình với tất cả cuộc thi. Và đó là lí do vì sao mình đang tham gia một cuộc thi mới International Astronomy and Astrophysics Competition 2020. Cuộc thi tổ chức từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020.”
Nguyễn Phúc Đạt – Chàng trai lứa đầu tiên của Kỹ thuật Không gian IU
Nhắc đến Nguyễn Phúc Đạt, chúng ta sẽ thấy tên của chàng trai này đã xuất hiện nhiều lần trên mặt báo cũng như các bản tin sinh viên của trường vì đây là chàng trai được thực tập không những taị Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản mà Viện hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ NASA cũng đã chấp nhận hồ sơ của Đạt để tiếp nhận Đạt thực tập. Đạt là cựu học sinh chuyên Anh của trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM). Với thành tích học tập tốt tại Bộ môn Vật lý, Đạt luôn có tên trong danh sách được chọn đi thực tập nước ngoài và Đạt chia sẻ đó chính là điểm đặc biệt của Ngành học Kỹ thuật Không gian – một ngành học Đạt yêu quý từ thời THPT. Vì yêu mến ngành học và đặc biệt là học tại IU – một môi trường học 100% tiếng Anh – nên Đạt đã cố gắng chuyển đổi khối thi qua A1 (Toán – Lý – Anh) để được vào đây học.
Chàng trai NASA Nguyễn Phúc Đạt
Khi ba thành viên được hỏi về cuộc thi đều hào hứng và phấn khích kể về những ngày đầu lập nhóm, rồi chọn đề tài và vùi đầu giải quyết vấn đề A trong 48 tiếng ngắn ngủi của cuộc thi. 24 tiếng đầu tiên các bạn ngâm mình trong tài liệu để nghiên cứu do kiến thức nền về vật liệu, về hóa học các bạn không đủ để giái quyết vấn đề các bạn chọn là làm sao để Bảo vệ các phi hành gia trên đường đến Hỏa tinh. Đọc xong tài liệu thì chỉ còn 24 tiếng để bắt tay vào viết, vẽ, soạn thảo và hoàn thành mọi thứ. Phúc Đạt kể: “Khi mình bấm nút gửi đi thì đồng hồ cũng chỉ còn 3 phút là hết giờ và cảm giác thêm ngủ khủng khiếp vì đã trắng đêm 2 ngày liền.” Gia Bảo thì cười lớn khi 4 tháng sau nhận được kết quả từ Hội đồng giám khảo: “Mình không tin nổi luôn vì rõ ràng tụi mình chưa làm tốt lắm đề bài nhưng lại có tên trong nhóm 20% giải quyết tốt vấn đề thì quá may mắn với tụi mình rồi.” Minh Trang thì tủm tỉm nói: “Tụi mình tham gia cuộc thi đúng nghĩa vì đam mê luôn. Tham gia cuộc thi căng thẳng trong 48 tiếng, nộp lệ phí mất hơn 50 đô la Mỹ nhưng giải thưởng ngoài tờ chứng nhận ra thì chẳng có gì. Tuy nhiên, với tụi mình là một trải nghiệm quá đã. Chính vì vậy tụi mình sẽ tiếp tục thi nữa, không chỉ cuộc thi này mà nhiều cuộc thi khác.”
Riêng Nguyễn Phúc Đạt, chàng trai chỉ còn vài tháng ngắn ngủi kết thúc 4 năm đại học, đã chia sẻ dự định sẽ dành thời gian của năm 2020 để chuẩn bị hồ sơ xin học bổng học Tiến sĩ tại Hoa Kỳ và chờ ngày thế giới ổn định lại, chuyến bay quốc tế mở ra để Đạt đến NASA.
Ba mảnh ghép tuy không hoản hảo nhưng đã đem lại những điều thật tuyệt vời cho Bộ môn Kỹ thuật Không gian Live casino với nhiều thành tích đáng nể
University Physics Competition là cuộc thi Vật lý cho sinh viên đại học được tổ chức hàng năm trên quy mô quốc tế. Trong lần tổ chức thứ 10, cuộc thi đã quy tụ 305 đội thi. Mỗi đội bao gồm từ 1-3 sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, chỉ có 3 đội thi đến từ Việt Nam và cả ba đội đều là những sinh viên từ ngành Kỹ thuật Không gian của trường (Đại học Quốc gia TPHCM).
Các đội thi có 48 giờ trong những ngày 1, 2 và 3/11/2019 để phân tích một trong hai vấn đề Vật lý được Ban Giám khảo đưa ra bằng cách áp dụng những nguyên tắc Vật lý, sau đó viết nên một bài báo cáo khoa học hoàn chỉnh chứa đựng lời giải cho vấn đề.
Năm 2019, 186 đội đã chọn vấn đề A – Bảo vệ các phi hành gia trên đường đến Hỏa tinh và 119 đội đã chọn vấn đề B – Thiết kế một tàu lượn siêu tốc.
Trong số 305 bài dự thi, 5 đội (1.6%) đã đoạt huy chương Vàng, 60 đội (20%) đoạt huy chương Bạc, 83 đội (27%) đoạt huy chương Đồng, và 157 đội (51%) đoạt danh hiệu Thí sinh Tiềm năng [Accomplished Competitors].